Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Nhà văn Nguyễn Quang Thân qua lời kể của Ngô Thị Kim Cúc

NGÔ THỊ KIM CÚC (nhà văn)

Sáng 3 tháng 3.2017, không thấy anh Nguyễn Quang Thân có mặt trong lễ trao giải Văn Việt lần II, mọi người đều hỏi nhau, không rõ anh bận việc hay có buồn việc gì.

Đó là vì qua phiếu bầu ở Hội đồng Văn xuôi, không tác phẩm nào được tối thiểu 4/5 phiếu để có giải chính thức. Anh là thành viên Hội đồng Văn xuôi và đã có một bản nhận xét viết kỹ, để bảo vệ tác phẩm mình đề cử.

Không ai nghĩ anh đau ốm, vì như anh vẫn thường nói một cách tự hào: Từ nhỏ tới giờ, anh chưa từng phải vào bệnh viện. Và hiện giờ, ở tuổi 82, anh vẫn có thể bơi sáu, bảy cây số mỗi ngày…

Xong lễ trao giải, trừ những người có việc nhà cần kíp, mọi người đều ngồi lại thêm mấy tiếng để hàn huyên, vì những dịp gặp nhau đông vui như thế này không dễ có.

Khi chia tay nhau thì trưa đã thành chiều. Ai cũng rất vui và nhẹ nhõm trong lòng vì công phu hàng năm trời của nhiều người, cả trong nước lẫn ngoài nước đã không phí uổng: những tác phẩm được giải quả thật xứng đáng, và buổi lễ đã có mặt đông đảo nhà văn trong Nam ngoài Bắc lẫn nước ngoài, trong đó có những người hầu như rất ít khi xuất hiện.

Một chuyện đáng ghi nhận: buổi lễ đã không bị cản ngăn như lễ trao giải lần đầu, hồi năm ngoái, khi buộc phải tiến hành ở nhà riêng của chị Ý Nhi, lại còn bị cắt điện.

Vậy mà sáng sớm 4.3, tất cả chúng tôi đều sững sờ nghe tin anh Nguyễn Quang Thân đã mất, lúc 3 giờ 15. Đó là một đòn quá bất ngờ, vì mọi người hầu như vẫn còn nguyên thắc mắc về lý do anh vắng mặt hôm qua.

Đúng là “đời người như gió qua”…

Chị Dạ Ngân kể rằng chị có công việc phải về quê. Và anh Nguyễn Quang Thân, khi không có sự giám sát của vợ, đã đi bơi mỗi ngày chứ không phải cách ngày như quy định. Anh chị đã rất vui bảo nhau sẽ cùng có mặt trong lễ trao giải ngày 3.

Nhưng anh đang bị cảm, và có thể do bơi lâu, thấm mệt, nên lần đầu tiên (và không ai ngờ cũng là lần cuối), sức khỏe hiếm có của anh đã bị bẻ gãy: đột quỵ.

Anh mặc bộ đồ bơi ướt nằm đó, trong túi nhỏ gởi ở hồ bơi không có giấy tờ tùy thân mang theo. Nhân viên hồ bơi đã phải truy trong hồ sơ khách hàng để có số điện thoại liên lạc.

Nhưng số điện thoại đó lại là của chính anh, và anh đang để điện thoại ở nhà. Chuông đã reo trong ngôi nhà trống, không người. Khi thấy có người đến đập cửa gọi, hàng xóm đã chạy sang báo cho người thân anh ở gần, và nhờ đó chị Dạ Ngân mới biết chuyện.

Khi chị về tới Sài Gòn và vào bệnh viện làm mọi thủ tục cần thiết để bắt đầu việc cấp cứu thì đã ba tiếng rưỡi trôi qua. Những giờ phút quý giá nhất để khả năng cứu được người đột quỵ đã trôi qua…

Đó là việc xảy ra đã hai ngày trước, khi anh bắt đầu nhập viện và trải qua các cuộc phẫu thuật. Nhưng chị Dạ Ngân đã không báo tin anh Quang Thân đang nằm viện cho mọi người trong Ban tổ chức, vì chị sợ mọi người thêm buồn khi đang có nhiều việc để lo: lễ phát giải không rõ có thể tiến hành được hay không, và nếu phải dời địa điểm, tất sẽ phát sinh nhiều việc ngoài ý muốn.

Vậy mà đến sáng sớm nay, ngày 4, anh Thân đã ra đi…

Anh Thân ơi, có thể anh không phải người dễ trải lòng trong cuộc sống đời thường, nhưng chắc chắn anh là một người yêu nước, và một nhà văn đã làm hết trách nhiệm.

Tôi nhớ lần gặp nhau ở nhà đạo diễn Việt Linh. Lúc đó tiểu thuyết Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn viết về chiến tranh biên giới Việt-Trung vừa được phát hành. Mọi người đều phẫn nộ, với câu hỏi tại sao nhà văn Trung Quốc được viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà nhà văn Việt Nam thì không.

Anh Quang Thân giận đến mức đỏ mặt tía tai, bị chóng mặt, khó thở, chị Việt Linh phải lấy máy ra đo huyết áp: 220/150. Một con số kinh khủng. Mọi người phải xúm vào “dỗ” anh Thân để anh nguôi giận, vì tất cả đều rất sợ có thể xảy ra chuyện xấu.

Lần đó, chị Việt Linh đã giới thiệu cho chị Dạ Ngân “thang thuốc” làm sạch thành mạch mà chị đã dùng hiệu quả: tỏi + đậu trắng. Ngay hôm sau chị Dạ Ngân đã làm cho anh Quang Thân uống, sau đó điện thoại báo tin mừng: huyết áp của anh đã xuống, còn 150/90.

Hôm 17 tháng 2 vừa rồi, nhóm Văn Việt họp lần cuối để chốt lại giải thưởng lần 2. Sau khi họp, mọi người đã ngồi lại cà phê Sỏi Đá mừng anh Hoàng Hưng và các anh chị Phan Đắc Lữ, Nguyễn Kim Chi đã “tự giải cứu” thành công. Lúc mọi người đều đã giải tán, anh Nguyễn Quang Thân rủ tôi và Bùi Chát ngồi lại thêm để trò chuyện.

Anh kể nhiều nhất về Trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982, nơi anh và chị Dạ Ngân gặp nhau, để sau đó bắt đầu một “tình sử” trong giới nhà văn.

Ngoài “sự cố” nổi cộm trong trại sáng tác lần đó, là bài thơ khóc Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo và truyện ngắn của Nhật Tuấn, thì bối cảnh biển Vũng Tàu cũng là một nội dung cực kỳ thời cuộc.

Thời điểm đó đang là đỉnh cao của những cuộc vượt biên. Có buổi sáng sớm các nhà văn đang dự trại thấy một người mình trần thân trụi chạy vào xin giúp đỡ. Đó là người duy nhất thoát chết trên chuyến tàu vượt biên bị đắm và đã phải bơi rất lâu mới tới được bờ… Mọi người đã biếu anh ta quần áo và ít tiền để anh có thể về lại với gia đình.

Nhưng nhiều người không may mắn đã không được như vậy. Nhiều buổi sáng, xác chết dạt vào bờ, thường đã trương lên và bị nắng đốt cháy hết mặt mày, không còn nhận ra nhân dạng. Thế nhưng thân nhân của họ từ Sài Gòn ra Vũng Tàu tìm người, qua quần áo có thể nhận ra người nhà của mình, đã không dám công khai ra mặt, bởi biết bao hiểm nguy phiền toái, đành phải gạt nước mắt quay về.

Và xác chết cứ nằm phơi ở đó thêm nhiều ngày, cho tới khi các thứ thủ tục hành chính xong xuôi, để có thể “xử lý” theo quy định…

Bùi Chát được sinh ra sau 1975, hẳn đã phải nhiều chấn động hơn tôi khi nghe những chuyện như vậy, những chuyện mà tất cả công dân Việt Nam từng sống qua hai thời kỳ, hai chế độ, cứ phải đằng đẵng mang trong trái tim mình, như một gánh nặng, một vết thương không thể nào lành…

Chiều 4.3, rất đông bằng hữu có mặt trong lễ trao giải Văn Việt lần 2 đã đến thắp nhang, viếng anh Nguyễn Quang Thân: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Hoàng Dũng, Nam Dao, Thái Kế Toại, Phạm Nguyên Trường, Tô Hoàng, Bùi Chát, Lý Đợi…

Khi chị Dạ Ngân đưa tôi đến nhìn anh Nguyễn Quang Thân lần cuối, trong rất nhiều hương khói chung quanh, trông anh vẫn rất tươi tỉnh như đang ngủ, không thể tin được là chỉ vài ngày nữa, tất cả những gì còn lại cho người thân chỉ còn là tro bụi.

Nhưng có một thứ chắc chắn không mất, cho gia đình và cho cả bạn bè, độc giả của anh: tinh thần của một nhà văn không thỏa hiệp. Nước mắt vẫn rơi nhưng sẽ không khiến cho người ta trở nên mềm yếu, mà là ngược lại…

Xin gởi theo anh tất cả niềm thương tiếc của chúng tôi, dành cho một người đồng nghiệp, đồng hành luôn kiên định.

Ngô Thị Kim Cúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét